Thiền Sư Thích Thanh Từ

ĐỐ KỴ KHIẾN NGƯỜI TA GÂY NHÂN XẤU NẶNG NỀ.

Việc đầu tiên mà người có tâm đố kỵ hay làm là thích chỉ trích để hạ uy tín của người giỏi, người làm được việc.


 

Ví dụ, nghe người ta khen thầy nào đó giảng hay, được nhiều Phật tử mến mộ, chúng ta liền chỉ trích, nói xấu. Có thể người ta chưa tin ngay điều mình nói nhưng niềm tin, lòng kính trọng đối với vị thầy kia phần nào sẽ bị giảm sút. Khi đến nghe Pháp, họ không còn nghe trọn lòng nữa. Như vậy, sự chỉ trích để triệt hạ uy tín lẫn nhau sẽ làm thóai tâm nhiều người khác. Đó là điều rất tai hại.

Hậu quả của tâm đố kỵ rất nặng nề nhưng nhân quả rõ nhất là chúng ta sẽ mất tâm đạo. Có người kiếp trước từng tu rất tốt nhưng bây giờ mất hết đạo tâm, không tu hành được nữa, sống không nhà, không cửa, không vợ con, lang thang hết nơi này đến nơi khác… Đó là nhân quả của việc nói xấu người khác, nói xấu những vị Tôn túc, làm cho Phật tử thoái tâm.

Vì lời chê bai, chỉ trích làm người ta chia rẽ, làm Phật tử thóai tâm, góp phần làm cho Phật pháp suy tàn nên chúng ta không nên nói xấu chỉ trích, ngược lại cần phải khen nhiều hơn. Ví dụ, khi Phật tử đến thăm chùa, chúng ta nên khen các thầy trong chúng. Nếu họ có hỏi về thầy nào, chúng ta cũng tìm những hạnh tốt để khen. Tất nhiên, sống trên đời không ai tránh được khuyết điểm, nhưng chúng ta tránh nói khuyết điểm, chỉ nói ra những ưu điểm nhằm giúp Phật tử tăng thêm tín tâm với đạo. Vì trong chùa có nhiều người tốt, người ta sẽ tin Phật pháp là tốt đẹp. Hơn nữa, những lời khen ấy cũng tạo thành phước rất lớn cho chúng ta.

Những người làm giảng sư rất dễ có phước vì khi giảng, thế nào họ cũng ca ngợi Đức Phật, ca ngợi các vị Thánh Tăng. Một lời họ nói ra không phải chỉ một hai người nghe mà rất nhiều người nghe. Do đó, phước họ có được là vĩnh viễn, đời đời. Lời khen rất dễ có phước. Nhưng nếu người giảng sư đứng trên bục giảng cứ công kích người này, nói xấu nguời kia thì sẽ bị tổn phước, không còn giảng được nữa, không còn tiếng tăm uy tín nữa. Những người viết sách cũng vậy. Viết sách ca ngợi Phật, ca ngợi chư Tăng, họ sẽ được đời đời hưởng phước. Nói chung, phước khen ngợi Đức Phật có thể kiếp sau mới được hưởng nhưng nghiệp chê người này, chỉ trích người kia chúng ta sẽ bị đọa ngay trong hiện tại.

Việc hay chỉ trích, công kích, chê bai không những làm cho chúng ta tổn phước, làm thoái tâm những người khác mà tai hại hơn nữa còn khiến Phật pháp (điều tốt) không phát triển được. Phật pháp phát triển được hay không là do sự phát tâm của từng người, từng ngôi chùa, từng đạo tràng. Nếu mỗi người thoái tâm một chút, nếu mỗi người cứ đố kỵ, chỉ trích để triệt hạ uy tín lẫn nhau, chúng ta sẽ không phát huy được sức mạnh và làm cho Phật pháp suy tàn.

Cộng với tâm ác độc, người đố kỵ có thể mưu hại người khác một cách hèn hạ. Ngoài đời, ác tâm của con người thật kinh khủng. Vì tranh hơn thua với nhau, họ sẵn sàng dùng bất cứ thủ đoạn gì để giết hại nhau. Người tu có thể còn tâm đố kỵ nhưng ác độc không nhiều vì biết tin Nhân Quả. Ngay đến việc giết một con vật nhỏ chúng ta còn không dám, làm sao có thể dám hại con người. Nhờ biết tin và sợ Nhân Quả, quả báo nên lâu ngày, tâm ác của chúng ta cũng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, nếu không biết tu, không kiểm soát tâm mình, không có lý tưởng giải thoát thật sự thì khi có nhiều quyền lợi quá, người tu chúng ta vẫn tranh giành với nhau, vẫn có thể hại nhau đến mất hết uy tín, đến tiêu tan cả sự nghiệp.

Chẳng hạn, ở một vùng nọ có một Thầy chánh đại diện vì muốn vị trí mình vững vàng không ai giành được nên khi thầy nào có năng lực muốn xin về đó ông ta đều tìm cách triệt hạ ngay từ đầu. Đó chính là đố kỵ, sợ đụng chạm quyền lợi, cũng là một mưu hại, tuy chưa nặng lắm. Nếu ác tâm mạnh hơn nữa, họ có thể vu khống người ta vi phạm chính trị để mọi người nghi ngờ đuổi đi nơi khác hoặc để công an bắt giam.

Chúng ta còn nhớ câu chuyện Lục Tổ Huệ Năng được trao y bát. Ngài được Tổ Hoàng Nhẫn trao cho y bát nhưng phải truyền trao một cách lén lút vào lúc nửa đêm. Rồi sau đó Tổ phải đưa Ngài ra sông để trốn đi luôn. Tại sao như vậy? Vì Tổ Hoàng Nhẫn không tin vào tâm của chúng mình. Họ vẫn còn đố kỵ nhiều quá. Nói ra điều này chúng ta cũng cảm thấy đau lòng vì không hiểu vì sao thời đó gần Tổ mà con người vẫn còn tâm đố kỵ nặng nề như vậy. Có thể nhiều khi họ rất hiểu Thiền lý nhưng những quan điểm về Đạo đức vẫn chưa vững nên vẫn còn đố kỵ khi thấy người ta hơn mình.

Phân tích tâm đố kỵ của những người trong chúng đối với Lục Tổ Huệ Năng, chúng ta thấy có nhiều lý do. Tổ Huệ Năng là một cư sĩ mới đến chùa được sáu tháng, mới hơn hai mươi tuổi trong khi những người khác đã xuất gia ít ra cũng trên hai, ba chục năm, hạ lạp y áo đàng hoàng. Vậy mà Tổ Huệ Năng được trao y bát, tương lai sẽ được giữ địa vị Tổ- một địa vị quá lớn lao, bao nhiêu người từng ao ước. Điều này đã làm cho họ không thể chịu đựng nổi. Lòng đố kỵ cộng thêm sự tự ái đã làm cho sức mạnh tăng lên dữ dội nên họ đã đuổi theo giành lại y bát. Thái độ của họ rất hùng hổ, sẵn sàng đánh giết để đoạt y bát trở lại. Đó cũng là tâm ác.

Trong khi đó, ngài Thần Tú vẫn rất nhẹ nhàng. Ngài là người có Đạo đức. Sau khi trình bài kệ không được Ngũ Tổ chấp nhận, Ngài cũng bình an ở lại giữ núi. Khi Ngũ Tổ tịch, Ngài vẫn tiếp tục tu hành, dạy chúng bình thường và sau này cũng rất nổi tiếng. Sự đạt ngộ của Ngài có thể không bằng ngài Huệ Năng nhưng Ngài có công phu tu hành chân chính, có Đạo đức rất vững. Ngài cũng có sở đắc tâm linh, cũng nhập định rất tốt. Khi còn ở trong chúng, ai cũng nể phục tài đức của Ngài. Họ tin chắc rằng, ngoài Ngài ra không ai xứng đáng được nhận y bát. Quả thật, Ngài cũng xứng đáng với sự tin yêu đó. Nhưng ngài Huệ Năng lại quá đặc biệt, quá siêu việt nên đã lãnh mất y bát khiến những người chúng dưới không chịu nổi. Còn ngài Thần Tú vẫn bình thản, coi như không có chuyện gì xảy ra vì Ngài tin vào sự chọn lựa của Thầy mình.

Truyện Thái Dương Sơn Bình Thị Giả quật mồ ngài Minh An- thầy mình - trong Thiền Lâm Bảo huấn cũng cho chúng ta bài học về lòng đố kỵ. Lúc bấy giờ, ngài Minh An thuộc về tông Tào Động. Ngài là một Thiền Sư nổi tiếng đến mức ngài Phần Dương Thiện Chiêu - thuộc tông Lâm Tế - phải cho những đệ tử của mình qua đó tham học. Chúng ta biết rằng, tông Lâm Tế rất nổi tiếng và ít nể phục ai. Vậy mà thời đó ngài Phần Dương là người nối tông Lâm Tế chính tông lại cho đệ tử mình sang học với thầy Minh An. Điều này chứng tỏ ngài Minh An rất giỏi đồng thời cũng cho chúng ta thấy Đạo đức của cổ nhân. Những bậc đạo sư đúng nghĩa là như vậy. Họ không có sự riêng tư. Đọc chuyện này, chúng ta nể phục ngài Minh An bao nhiêu càng kính trọng ngài Phần Dương Thiện Chiêu bấy nhiêu.

Khi sang học, hai đệ tử của tông Lâm Tế được ngài Minh An khen ngợi. Ngài còn nói hai người đó sẽ nối Pháp của Ngài làm cho tông Tào Động được hưng thịnh. Nhưng hai vị từ chối vì cho rằng ngài Bình Thị Giả mới thực sự là người tài giỏi. Hai vị đã ngộ đạo mà khen như vậy chứng tỏ ngài Bình Thị Giả cũng đã ngộ đạo. Vì trong Thiền tông, người đã ngộ đạo chỉ cần dùng trực giác để nhìn hoặc nghe người khác nói một vài câu sẽ biết ngay người đó đã ngộ hay chưa. Nhưng ngài Minh An lại không công nhận ngài Bình Thị Giả ngộ đạo. Ngài nói: “Vì trong đây không tốt, sau này sẽ chết ở đây”. “Ở đây” là trong bàn tay của mình, người Trung Hoa còn gọi là hổ khẩu tức miệng cọp. Nghĩa là Ngài muốn nói ngài Bình Thị Giả tâm không tốt nên sau này sẽ chết ở miệng cọp.

Chuyện cứ thế trôi qua. Trước khi chết, ngài Minh An nói với mọi người: “Khi ta chết cho đến mười năm, không có chuyện gì. Nhưng sau mười năm sẽ có Thái Dương Sơn đánh ta.” Nói xong, Ngài ngồi tịch một cách tự tại vì Ngài đã đắc đạo cao siêu. Sau đó, thân Ngài được đem vào nhập tháp trong tư thế ngồi như thế. Ngài Bình Thị Giả tiếp nối trụ trì, gọi là Thái Dương Sơn Bình Thị Giả. Nhưng không hiểu vì sao càng ngày ông càng đố kỵ với cái tháp của thầy mình. Hình như ông cảm thấy cái tháp có vẻ uy nghi, đẹp đẽ sừng sững đứng trấn ở vị trí đó khiến ông không phát được. Thời gian cứ thế trôi qua, lòng đố kỵ với thầy mình của ngài Thái Dương Sơn càng ngày càng lớn. Cho đến mười năm sau, cảm thấy lòng đố kỵ đã đủ, ông nói: “Cái tháp Tiên sư để đây với ta có chướng ngại, thôi quật cái tháp đi, lấy xác thiêu và đem cốt vào thờ”. Chúng không chịu nhưng ông vẫn ra lệnh quật tháp. Điều ngạc nhiên là dù chết đã mười năm nhưng cơ thể ngài Minh An vẫn còn tươi tắn, hồng hào, râu tóc vẫn ra dài. Đây là điều rất độc đáo. Những vị khác tịch mười năm có thể nhục thân không hoại nhưng sẽ bị khô đi. Thân thể Ngài Minh An vẫn tươi như còn sống nên chất củi đốt cũng không thể cháy được. Thần lực Ngài Minh An để lại thật khủng khiếp! Thấy như vậy, Thái Dương Sơn bèn lấy búa rìu dùng chẻ củi chém xả vào đầu, vào thân ngài Minh An cho đến khi tan nát. Sau đó, ông tưới dầu vào và đốt cho thân thể tiêu tan.

Hành động cầm búa rìu chém vào nhục thân thầy mình mười năm không hoại ấy đã khiến cho mọi người không ai chịu đựng nổi. Quá đau lòng, những người còn lại trong chúng đã chạy lên báo với quan huyện. Rất may, vị quan này vốn kính thờ ngài Minh An. Nghe tin, ông rất giận dữ sai quân lính đến lột y và đuổi Thái Dương Sơn ra khỏi chùa, không cho làm người tu nữa. Quả báo đã đến ngay tức khắc như vậy và ông ta đã hết phước làm Tăng. Sau đó, Bình Thị Giả đổi tên là Hoàng Tú Tài và đi nơi khác sống. Nhưng đi đến đâu, ông cũng không được trọng dụng. Một hôm, đi đến ngã ba đường, ông bị cọp vồ chết đúng như lời ngài Minh An đã nói trước kia.

Lòng đố kỵ cộng với ác tâm khiến người ta có thể làm nhiều chuyện động trời như vậy.

Ở mức độ nhẹ hơn, người có tâm đố kỵ thường quấy phá lặt vặt nhằm hạ uy tín của người khác. Ví dụ, cùng học với nhau, nhưng thấy người kia làm bài được nhiều điểm hơn, người có tâm đố kỵ sẽ tìm cách lấy bớt một vài trang trong bài làm của họ xé bỏ đi. Người kia không hay biết, vẫn mang bài đến nộp nên không được điểm cao. Hoặc thấy một huynh đệ được thầy trụ trì quí mến, vì đố kỵ, họ cảm thấy bực bội. Đến phiên người ấy nấu bếp, họ phá bằng cách lấy muối bỏ thêm vào nồi canh vv….

Trong Góp nhặt cát đá có câu chuyện về người mù và Thiền Sư Bankei. Thiền Sư Bankei dạy đạo ở một ngôi chùa. Trước cổng chùa có một người mù. Tuy không nhìn thấy nét mặt của người khác nhưng người mù có cái tai rất nhạy và chỉ cần nghe tiếng nói, ông có thể đánh giá được tâm trạng người khác, biết họ thật tình hay không. Ông từng nói: “Khi nghe một người khen sự thành công của người khác, tôi cũng nghe được cái bí mật trong lòng họ, đó là một sự ganh tỵ. Khi nghe một người chia buồn với nỗi đau khổ của người khác, tôi vẫn nghe được trong tâm họ cái bí mật của một sự vui mừng hả hê.” Ông nói: “Chỉ có Thiền Sư Bankei khi khen ai một điều gì, hay chúc mừng ai một điều gì, tôi nghe trọn lòng chân thành, sự vui mừng của Ngài. Khi nghe Ngài tỏ sự buồn bã đối với nỗi buồn của ai, tôi nghe trọn vẹn cái nỗi buồn như thế”.

Vì tu thiền kiểm soát được tâm vững chắc, kỹ lưỡng nên Thiền Sư Bankei có lòng thương người rất chân thành, không đố kỵ. Câu chuyện nhằm khen ngợi đức tính ấy của ông.

Cái tâm của con người là như vậy. Thấy người nào thua mình thì vui mừng, thấy ai hơn mình dù mở miệng khen nhưng trong lòng vẫn có sự bực bội. Hoặc thấy người hơn mình bị nạn, tâm vui mừng một cách lộ liễu hoặc thầm kín.

Ví dụ, người nữ hay hơn thua nhau về sắc đẹp. Thấy người kia được nhiều người khen đẹp, người này cũng khen nhưng trong lòng ấm ức, bực bội. Đó là khen không thật tình vì lòng không thật vui khi thấy người ta đẹp hơn mình. Hoặc nghe tin người có tài năng, có danh tiếng hơn mình bị tai nạn, chúng ta không dám bộc lộ niềm vui một cách lộ liễu nên miệng vẫn xuýt xoa: “Tội nghiệp” nhưng trong lòng lại vui mừng quá đỗi vì từ nay ông ta không đi giảng được nữa, không hơn mình được nữa. Đó là tâm bí mật của con người.

Từ trong thâm sâu, chúng ta phải cố gắng kiểm soát tâm để khi thấy sự thành công của người khác, chúng ta xem như đó là thành công của chính mình; trước niềm vui của người khác, chúng ta cũng vui như chính niềm vui của mình. Vì vậy, trong bài Khấn nguyện chúng ta vẫn tụng hằng ngày có đoạn:

Xin cho con sung sướng

Khi thấy người thành công

Hoặc gây tạo phước lành

Như chính con làm được

Chúng ta tụng như vậy là để diệt lòng đố kỵ, khởi được tâm tùy hỷ trước sự thành công của người khác.

Tâm đố kỵ có quả báo rất kinh khủng. Có lẽ chúng ta còn nhớ câu chuyện về Tôn giả Losaka Tissa bị quả báo đói kém. Vào thời Đức Phật Ca Diếp, Ngài là một trụ trì ở một tinh xá đầu làng. Ngài cũng hiền lành, cả làng chỉ có mình Ngài ở ngôi chùa đó. Một hôm, một vị trưởng lão Alahán đi đến làng và gặp vị địa chủ. Người địa chủ này sau khi nói chuyện, thấy vị Tôn giả này quá trí tuệ bèn thỉnh thọ cơm rồi nói:

- Thưa Tôn giả, đầu làng này có một ngôi tinh xá, xin Tôn giả hãy đến đó nghỉ ngơi, chiều con sẽ đến thăm Tôn giả.

Vị Tôn giả Alahán đến tinh xá gặp vị trụ trì. Sau khi chào nhau, vị trụ trì hỏi:

- Ngài đã dùng cơm ở đâu chưa?.

Hòa Thượng trả lời:

- Thưa Ngài, tôi có dùng cơm ở nhà vị trưởng làng.

Chiều hôm đó, người địa chủ mang cơm, thức ăn, sữa và một số vật phẩm đến cúng dường hai vị và đảnh lễ xin nghe Pháp của Tôn giả Alahán. Vị trụ trì thấy vậy rất khó chịu.

Sau khi đảnh lễ và nghe pháp xong, người địa chủ đảnh lễ thỉnh luôn hai vị:

- Con xin thỉnh hai vị trưa mai đến nhà con thọ thực.

Cả đêm đó, vị trụ trì không ngủ được vì bỗng dưng từ đâu có người đến giành bớt Phật tử của mình. Sáng hôm sau, ông dậy rất sớm để đến nhà người địa chủ nhưng không gọi vị Tôn giả Alahán kia đi cùng. Thực ra, ông có gõ cửa hai tiếng rất nhẹ, gõ nhưng cố ý không cho người kia nghe.

Khi đến nơi, người địa chủ hỏi:

- Vị Tôn giả hôm qua đâu?.

Vị trụ trì trả lời:

- Hôm qua ông ăn cái gì đó chắc còn đầy bụng, tôi có gọi mà ông không dậy.

Câu nói tuy nhẹ nhưng là một lời chỉ trích, nói xấu làm cho người nghe có cảm giác vị Tôn giả kia ăn no, ngủ quên không chịu tu hành. Ăn xong, vị địa chủ lấy riêng một bát thức ăn và nói:

- Con mong thỉnh Ngài, Ngài đem về cho vị kia giùm con.

Đi giữa đường, gặp đám than hồng người ta đang đốt, ông đổ tất cả bát cơm vào đó. Lúc bấy giờ, ở tinh xá, vị Tôn giả Alahán đã biết tất cả mọi chuyện. Thấy ông này quá đố kỵ, ông đắp y, mang bát bay lên hư không qua vùng khác ở và không về đó nữa.

Về đến nơi không thấy vị kia, vị trụ trì giật mình nghĩ: “Hay là vị này đã chứng đạo biết được tâm ta đố kỵ nên bỏ đi không ở lại. Ôi, ta vì ngu si đã làm một chuyện lầm lỗi”. Sau đó, ông buồn rầu, hối hận rồi chết.

Khi chết, ông xuống địa ngục mấy ngàn năm, bị thiêu đốt ở đó. Hết nghiệp địa ngục, ông lên làm quỷ đói, trong năm trăm năm không hề được ăn một miếng gì trừ cái bào thai chết của người ta trục ra một hai lần. Sau khi mãn năm trăm năm ngạ quỷ, ông bị đọa làm chó năm trăm đời. Trong thời gian làm chó, không bao giờ ông được người ta cho ăn uống đàng hoàng, chỉ được ăn khi người ta nhậu say nôn ói ra ngoài. Con chó ấy gầy ốm rồi chết. Sau đó, được trở lên làm người. Nhưng nơi ông được sinh ra, cả làng luôn mang tai hoạ. Ông bị người ta đuổi ra khỏi làng, sống lang thang vất vưởng. Sau này, ông gặp Đức Phật (lúc đó Ngài còn là Bồ Tát). Ngài giáo hóa theo Phật để củng cố lại nhân duyên với Phật pháp.

Trong kiếp cuối cùng thời Đức Phật sinh ra đời, ông cũng được sinh ra tại một làng đánh cá. Vào ngày ông ra đời, không ai đánh được một con cá nhỏ nào, hồ nước dự trữ cho làng cũng bị cạn, một số nhà trong làng bỗng nhiên bốc lửa cháy, rồi tự nhiên vua ra lệnh bắt cả dân làng….Những chuyện xui cứ tới dồn dập. Thế là người ta nghĩ trong làng đã xuất hiện một người nào đó xúi quẩy, phải tìm cách loại ra. Lúc đầu, họ chia làng thành hai phần độc lập, không giao thiệp với nhau nữa. Phân nửa làng không có ông thì làm ăn phát đạt trở lại, còn nửa làng kia vẫn tiếp tục bị xui xẻo. Thế là, phân nửa làng đó lại được chia làm đôi. Cứ thế, cuối cùng chỉ còn lại gia đình ông. Họ đuổi gia đình đó ra khỏi làng và làng lại làm ăn trở lại bình thường. Khi bị đuổi, người chồng đuổi luôn người vợ ra khỏi nhà. Vì núm ruột mình đứt ruột đẻ ra, người vợ không nỡ dứt bỏ nên cố gắng làm lụng nuôi ông trong đói khổ. Khi ông lẫm chẫm cầm bình bát đi xa được, bà sai con đi xin ăn và ở nhà bà trốn đi. Thế là từ ngày đó, ông bắt đầu cuộc đời đói khổ, tự lập thân sống như con quỷ ăn bùn. Nhiều khi chỉ xin được mấy hạt cơm người ta làm rơi ở sàn nước để ăn cho đỡ đói. Đến khi gặp ngài Xá Lợi Phất, bằng đạo nhãn, ngài Xá Lợi Phất thấy rằng người này có duyên với Phật pháp, có thể tu được dù nghiệp rất khắc nghiệt. Ngài hỏi:

- Cha mẹ con ở đâu ?

- Thưa, mẹ con vì con mà quá khổ sở nên đã bỏ con.

- Con có muốn xuất gia không?

- Lành thay Tôn giả! Nếu có thể cho con được xuất gia!.

Thế là ngài Xá Lợi Phất đem ông về, cạo tóc cho xuất gia. Mặc dù đã tu chứng Alahán nhưng suốt một đời, không bao giờ Ngài được ăn no cho đến ngày chết.

Quả báo đố kỵ kinh khủng, đáng sợ như vậy. Vì Ngài đã đố kỵ với vị Alahán nên bị đoạ đày không biết bao nhiêu kiếp.

Trong cuộc sống, những người hay đố kỵ phải chịu nhiều quả báo. Nếu không có tài năng, luôn ganh tỵ với người, đời sau chúng ta sẽ không có tài năng. Thấy ai thành công, chúng ta chỉ trích, bực bội thì đời sau, thành công sẽ không đến, làm gì cũng thất bại. Bởi vậy, những người làm việc hay thất bại thường do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân do đời trước có tâm đố kỵ nặng quá. Ngoài ra, người có tâm đố kỵ còn chịu một quả báo nữa là bị thân quyến bỏ rơi. Vì chỉ trích cho người ta bỏ nhau, ghét nhau thì chúng ta sẽ chịu quả báo sống cô đơn, bị người thân ghét bỏ. Và quả báo nặng hơn nữa là bị đọa ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

Nói tóm lại, tâm đố kỵ rất đáng sợ. Vì vậy, chúng ta phải thương yêu mọi người chân thành, lúc nào cũng mong mọi người hơn mình. Đó là những nguyên tắc để diệt trừ tâm đố kỵ.