Bí đỏ hay còn gọi Bí ngô không chỉ là nguồn thực phẩm quen thuộc của nhân dân ta mà còn là vị thuốc trong Đông y với tên gọi “Nam qua”.

 

 

Xét về mặt giá trị dinh dưỡng: Trong 100g cùi Bí đỏ có 92,7g nước, 4g protit, 0,8g glucit, 1,7g xenluloza, các muối khoáng canxi, phốtpho, sắt…, các vitamin A, B1, B2, PP, C… trong hạt Bí đỏ có 5,54% nước, 33,9% protit, 39,57% lipit, 2% gluxit, 15,06% xenluloza. Theo nghiên cứu của một số tác giả: trong hạt Bí đỏ có một chất dầu chứa axit linoleic 45%, oleic 25%, palmatic và stearic 30%, các chất đường saccaroza và fructoza, các chất protein có lơxin, prolin, tyroxin…

 

Bí đỏ có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ song phổ biến trong dân gian là món canh Bí đỏ hầm với sườn lợn, hoặc Bí đỏ sào tỏi. Ở nông thôn, bà con ta hay nấu chè Bí đỏ với Đậu xanh, không chỉ là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao mà còn là bài thuốc dân gian có tác dụng bổ não, chữa nhức đầu, suy nhược thần kinh và đề phòng viêm màng não.

 

Về tác dụng chữa bệnh: Theo Y học dân tộc, cùi Bí đỏ vị ngọt, tính ấm, ổ thần kinh, điều hoà tỳ vị, bổ khí lực, nhuận tràng nên vẫn được dùng để chữa nhức đầu, suy nhược thần kinh, chữa viêm màng não. Liều dùng: mỗi ngày 100 – 200g nấu canh ăn.

 

Theo nghiên cứu gần đây của một số nhà khoa học Nhật Bản, trong quả Bí đỏ chín có nhiều caroten có tác dụng làm sáng mắt. Trong 100g cùi Bí đỏ có thể cho tới 1.500 đơn vị vitamin A và khoảng 10g axit glutamic - một chất được coi là có tác dụng tăng cường trí thông minh. Các nghiên cứu còn cho biết Bí đỏ có tác dụng tốt trong việc phối hợp với thuốc để điều trị các bệnh cao huyết áp, viêm gan, béo phì, đái tháo đường; cho trẻ em ăn Bí đỏ kèm các thức ăn khác sẽ mau lớn, thông minh.

 

Mặc dù hiện nay y học có nhiều loại thuốc tốt để điều trị  sán dây nhưng việc tẩy sán bằng hạt Bí đỏ vẫn được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Theo tài liệu Y học cổ, hạt Bí đỏ được dùng làm thuốc tẩy sán từ thời La Mã và được phổ cập ở châu Âu từ đầu thế kỷ thứ 19. Ở nước ta, hạt Bí đỏ cũng được dùng làm thuốc tẩy sán từ rất lâu. Theo Y học dân tộc, hạt Bí đỏ vị béo, tính mát, có tác dụng tẩy sán xơ mít (sán dây) rất tốt.

 

Cách dùng: Hạt Bí đỏ tươi, bóc vỏ, ăn sống, hoặc giã trộn với đường hay mật ăn. Liều dùng:100 – 150g hạt tươi ( đối với người lớn).

 

Chiều hôm trước khi tẩy sán, bệnh nhân nên ăn cháo đường. Sáng sớm hôm sau, khi đói bụng ăn hạt Bí với đường. Lúc đầu ăn thấy ngon miệng, ngọt, béo, thơm, dễ ăn; khi ăn được khoảng 100g sẽ bắt đầu thấy hơi say, cứ tiếp tục ăn cho đến hết liều dùng cần thiết. Một giờ sau uống một liều thuốc tẩy 40g Magie sunfat (MgSO4) với nước ấm. Sau đó thỉnh thoảng lại uống thêm nước ấm, (mỗi lần 100 – 200ml), rồi nằm nghỉ chờ sán ra theo đại tiện. Khi

đi ngoài chú ý ngồi ngâm hậu môn trong một chậu nước ấm để sán ra cả đầu.

 

Nếu ăn nhiều hạt Bí đỏ vào buổi sáng ( lúc bụng còn đói, khoảng 30 – 50g) trong  vài ngày sẽ có tác dụng tẩy giun rất tốt.