Đậu phụ mặc dù có nhiều đặc tính tốt nhưng với một số người, ăn nhiều lại làm ảnh hưởng tới sức khỏe.

 

 

 

Người thiếu máu

 

Đậu phụ rất giàu protein thực vật và ăn nhiều không những gây trở ngại cho việc hấp thụ sắt trong cơ thể mà còn dễ làm cho protein tiêu hóa không tốt, xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, chướng bụng vv.

 

Người có tuổi

 

Trong trường hợp thông thường, chất protein thực vật vào trong cơ thể chúng ta sau khi trải qua trao đổi và bị biến đổi, cuối cùng đa phần trở thành phế thải chứa Ni tơ và thận thải ra ngoài cơ thể.

 

Khi có tuổi, khả năng bài tiết chất thải của thận kém đi, lúc này nếu không chú ý ăn uống, ăn đậu phụ hằng ngày, tức là dung nạp quá nhiều protein thực vật sẽ làm cho cơ thể sản sinh ra nhiều chất thải chứa Nitơ, tăng thêm gánh nặng cho thận, làm cho chức năng của thận lão hóa hơn, không có lợi cho sức khỏe.

 

Người có nguy cơ thiếu I-ốt

 

Đậu tương để làm đậu phụ hàm chứa một loại chất gọi là saponins. Chất này thúc đẩy I-ốt trong cơ thể bài tiết. Trong thời gian dài ăn quá nhiều đậu phụ dễ gây ra thiếu I-ốt và gây ra các bệnh do thiếu I-ốt.

 

Người bị bệnh Gout

 

Đậu phụ chứa khá nhiều purine, chất làm tăng axit uric trong máu, khiến triệu chứng bệnh gout xuất hiện. Vậy nên người bị bệnh gout nên hạn chế ăn đậu phụ.

 

Dương Hằng

Theo jk 3721

 

Đốt sống cổ, thắt lưng: Đau lâu ngày thành viêm

Tại bệnh viện Châm cứu TƯ, mỗi ngày có khoảng 900 người đến khám, điều trị thì có đến 70-80% là các bệnh lý liên quan đến cột sống cổ và thắt lưng. Nhiều trường hợp bị viêm, thoái hóa do không điều trị sớm.

 

Bệnh lý về cột sống, đau thắt lưng ngày càng phổ biến, trẻ hóa

bởi thói quen ngồi nhiều, lười vận động.

ThS. Trần Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu TƯ cho biết: “Bệnh lý này ngày càng phổ biến tại Việt Nam bởi nguyên nhân một phần do thói quen sinh hoạt, ngồi quá nhiều, ít vận động; một nguyên nhân khác là tình trạng béo phì, thừa cân khiến cột sống phải “gánh” một trọng lượng quá lớn, gây đau cột sống…”.

 

Đối tượng bị “tấn công” bởi các bệnh lý này cũng ngày càng trẻ hóa. Trong thực tế khám chữa bệnh tại viện, không chỉ người già mới có triệu chứng đau cổ, mỏi vai mà có rất nhiều bệnh nhân là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng tuổi chưa tới 30. Những đối tượng này, do tính chất, đặc thù công việc nên thường xuyên ngồi lâu, ngồi không đúng tư thế… dẫn đến đau cổ, mỏi vai, lâu ngày gây nên bệnh lý đau đốt sống cổ, bệnh lý thắt lưng.

 

Đáng nói, vẫn còn rất nhiều người chủ quan với căn bệnh này, khi đau cổ, đau lưng thì chỉ xoa bóp tại chỗ bằng dầu nóng. Thực tế, sự tác động lên đốt sống cổ, cột sống lâu ngày do những nguyên nhân trên sẽ khiến tình trạng đau ngày càng trầm trọng. “Lúc đầu, ở giai đoạn nhẹ người bệnh chỉ bị đau, lâu dần dẫn tới viêm. Nếu không được tiếp tục điều trị, đốt sống cổ, cột sống sẽ dần thoái hóa, từ đó gây biến dạng cột sống, chèn ép dây thần kinh gây liệt khiến người bệnh mất khả năng vận động”, ThS. Thanh khuyến cáo.

 

Để phòng ngừa căn bệnh này, việc thay đổi thói quen sinh hoạt, lao động là rất cần thiết. Thay vì ngồi ì hàng tiếng đồng hồ trước màn hình máy tính, khi học hành… mỗi người cần ý thức không ngồi lâu quá 45 phút, mà có thể đứng dậy đi lại tại chỗ vài ba phút. Hoặc có thể tập thể dục ngay tại chỗ bằng các động tác vươn vai, nhún vai, xoay đầu đơn giản… sẽ giúp giảm áp lực lên đốt sống cổ, cột sống… Với những người béo phì, thừa cân thì việc giảm cân, tập luyện thể dục sẽ giúp hẳn cảm giác đau đốt sống cổ, cột sống, ngoài ra còn giảm nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp khác. Còn khi có cảm giác đau vai, đau đốt sống ngày càng tăng lên, có cảm giác đau, tê bì… thì nên đến viện để được kiểm tra và điều trị bằng phương pháp điện châm - bấm huyệt - tắm thuốc….

 

Hồng Hải

 

(Nguồn : dantri.com)